GIẢI PHÓNG BỘ NÃO KHỎI TƯ DUY ĐỘC HẠI
Có một nghịch lý rất quen thuộc là chúng ta thường xuyên được khuyên rằng hãy suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động. Nhưng càng cố đào sâu suy nghĩ, càng cân nhắc cẩn thận, chúng ta càng dễ lún sâu vào những cái bẫy của tâm trí. Những cái bẫy đó là cảm xúc lo lắng, bồn chồn, là các luồng suy nghĩ lộn xộn, tiêu cực, mang hơi hướng tự hủy hoại bản thân. Chúng ta bế tắc và không thể thoát ra khỏi các lối mòn, để cuối cùng lại đưa ra những quyết định và hành động cực kỳ thiếu sáng suốt.
“Giải phóng bộ não khỏi tư duy độc hại” tập trung vào việc khai thác nguồn gốc gây ra nỗi sợ để chấp nhận và khắc phục chúng, giúp chúng ta kiểm soát các suy nghĩ tiêu cực, cải thiện các mối quan hệ xã hội. Từ đó, giúp người đọc trả lời hai câu hỏi: Vì sao tâm trí bạn thường tự suy diễn ra những ý nghĩ tiêu cực? Làm thế nào để chống lại những suy nghĩ tự hủy hoại bản thân đang làm hại bạn mỗi ngày?
Cuốn sách không phải một chỉ dẫn với những lý thuyết khô khan mà sử dụng chính những tình huống đời thường, để hướng dẫn bạn cách cải thiện các mối quan hệ cá nhân, giải phóng tâm trí khỏi nỗi sợ hãi và cho thấy một cách tiếp cận cuộc sống khác. Hãy cùng khám phá cuốn sách, học cách loại bỏ những điều tiêu cực mang tính hủy hoại bản thân và bắt đầu thay đổi tư duy của bạn ngay bây giờ!
- Tác giả:
Steven Schuster trước hết là một người chồng, người cha hạnh phúc của hai đứa con kháu khỉnh. Sinh ra trong một gia đình nhập cư, anh hiểu rõ nhất cuộc đấu tranh của con người và đã dành cả cuộc đời mình để tìm ra giải pháp cho chúng. Anh ấy là một nhà nghiên cứu tâm lý con người nhiệt huyết. Anh đã chọn viết lách là sự nghiệp chính của mình và có nhiều cuốn sách thuộc top bán chạy trên Amazon.
- Một số trích dẫn
1. “Bạn không thể thay đổi dòng chảy tự nhiên của cuộc sống...
... nhưng có thể thay đổi cách bạn lí giải chúng.”
2. “Bản chất con người vốn hay suy nghĩ. Chính khả năng suy nghĩ đó khiến chúng ta khác biệt với các giống loài khác. Chúng ta nhận thức được việc mình suy nghĩ. Thói quen nhận thức ngày càng phát triển hơn khi chúng ta lớn lên. Chúng ta học hỏi từ cha mẹ. Sau đó đi học, lên đại học, tìm được công ăn việc làm, đọc thật nhiều sách, xem cả tá phim ảnh và kết nối với mọi người. Mỗi một hoạt động này đều vô tình ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của chúng ta. Kinh nghiệm nhận thức định hình thế giới quan của mỗi người. Mọi thứ mà cá nhân chúng ta trải nghiệm sẽ đi qua bộ lọc của bản thân và được hợp thức hóa. Rất thực tế. Còn thực tế hơn cả những thứ chúng ta chưa từng trải qua. Cho dù những điều chúng ta tin có thể không phải lúc nào cũng đúng.”
3. “Đừng cho rằng những giá trị mà mọi người cho là tiêu cực đều đúng vì chúng ta đều hiểu rằng “sai” hay “đúng” chỉ mang tính chủ quan. Dựa trên kinh nghiệm và giá trị khác nhau, người ta sẽ có câu trả lời khác nhau cho cùng một câu hỏi và không có đáp án nào trong số đó tốt hơn hay tệ hơn cái nào.”
4. “Thay vì tập trung vào những phản hồi vô ích không bao giờ chấm dứt, tốt hơn hết bạn hãy chú tâm vào nguồn gốc gây ra nỗi lo sợ, chấp nhận và khắc phục chúng.”
5. “Tất cả mọi việc bạn thích (hoặc có thể chịu đựng) cùng với một chút kiến thức nền tảng và làm việc chăm chỉ có thể đưa bạn lên đến đỉnh vinh quang. Đam mê đến từ sự tích lũy kiến thức, tự tin và thành công mà bạn góp nhặt bằng việc lao động cần mẫn trong công việc hiện tại. Bạn càng giỏi trong công việc mình làm, bạn càng say mê nó.”