Khi nhắc đến “ngược đãi”, nhiều bậc cha mẹ thường nghĩ đó phải là vụ việc có tính chất nghiêm trọng như một vụ án, giống như truyền thông hay đưa tin, chứ không phải câu chuyện liên quan đến mình.
Trong cuốn sách “Cha mẹ độc hại” mới được ra mắt gần đây, tác giả Tomoda Akemi đã chỉ ra rằng: Ngoài hành vi đe dọa bằng lời nói, uy hiếp, nhục mạ, phớt lờ hay bỏ rơi thì việc một cặp vợ chồng liên tục cãi vã gay gắt trước mặt con cái cũng được coi là một biểu hiện của sự ngược đãi cảm xúc ở trẻ em. Thực chất hành vi “Ngược đãi trẻ em” là sự can thiệp không đúng cách của kẻ mạnh - người lớn - đối với kẻ yếu - trẻ em. Cuốn sách này sẽ phân tích ảnh hưởng của hành vi ngược đãi đến sự phát triển của trẻ từ góc nhìn mang tính khoa học cũng như chứng minh tầm quan trọng của việc đưa ra các phương án phòng ngừa từ sớm để tránh những tác động tiêu cực lên sự phát triển và trưởng thành ở trẻ.
Cuốn sách "Cha mẹ độc hại" của tác giả Tomoda Akemin
Trước giờ, nhiều người mặc định các triệu chứng tâm lý như chán học, phá phách, trầm cảm, rối loạn ăn uống hay chứng tâm thần phân liệt ở trẻ chủ yếu là do bẩm sinh. Nhưng các nghiên cứu khoa học tiến bộ cho thấy, quá khứ bị ngược đãi thời thơ ấu chính là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến não bộ, khiến các triệu chứng trên xuất hiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.
Khi nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy có những thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành gặp khó khăn khi thích nghi với xã hội. Họ chịu ảnh hưởng của quá khứ bị ngược đãi từ khi còn là một đứa trẻ. Các bằng chứng cho thấy trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình có cha mẹ hòa thuận, ít cãi nhau trước mặt trẻ thì trẻ ít có vấn đề tâm lý. Khi có con, hai vợ chồng nên thỏa thuận cách giải quyết vấn đề để không ảnh hưởng đến giai đoạn nhạy cảm sớm về phát triển tâm lý của trẻ. Luôn thể hiện thái độ lắng nghe và tôn trọng ý kiến trẻ từ nhỏ. Việc bạn làm với trẻ ngày hôm nay cũng sẽ là việc trẻ sẽ làm với bạn trong tương lai. Nếu bạn muốn trẻ lắng nghe và tôn trọng bạn khi về già thì ngay từ bây giờ bạn nên cho trẻ hiểu bạn yêu thương và tôn trọng trẻ như thế nào.
Hình minh họa trong cuốn sách "Cha mẹ độc hại"
Không ngược đãi tâm lý, cảm xúc của con dù vô tình hay cố tình
Xây dựng một mối quan hệ gắn bó – là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Việc thay đổi cách nuôi dạy trẻ ngay từ bây giờ là một điều bắt buộc phải làm ở các bậc phụ huynh. Hiểu thế nào là hành vi ngược đãi sẽ giúp các bậc cha mẹ có cái nhìn khách quan hơn về những sự việc đang xảy ra. Đôi khi, hành vi mà bạn đang làm chính là những hành vi ngược đãi trẻ khó nhận diện. Ngược đãi không chỉ là những vụ án nghiêm trọng, nó là những hành động tưởng chừng rất bình thường mà chúng ta vẫn thấy trong cuộc sống hằng ngày.
Cuốn sách “Cha mẹ độc hại” cũng sẽ giới thiệu đến bạn đọc một số nghiên cứu điển hình mô tả bối cảnh của vụ ngược đãi, các dạng bệnh lý tinh thần biểu hiện bên trong và bên ngoài cũng như phương pháp điều trị tận gốc về tâm lý. Việc giải quyết vấn đề ngược đãi không đơn thuần chỉ là giúp đỡ trẻ em mà chính cha mẹ cũng là những người cần sự chăm sóc. Ngoài ra, việc chăm sóc trẻ không phải là vấn đề của riêng người nuôi trẻ. Chính vì thế, toàn thể xã hội cần chú trọng việc quan tâm đến trẻ em và vấn đề liên quan đến ngược đãi. Đã đến lúc phải làm gì đó để giảm thiểu số trẻ em phải chịu chấn thương tinh thần do chính cha mẹ mình gây ra. Không có người lớn hoàn hảo. Và bất cứ đứa trẻ nào cũng phải vấp ngã, thất bại để trưởng thành. Tuy nhiên, tổn thương đến mức biến dạng não bộ không bao giờ là cần thiết đối với quá trình lớn lên ở trẻ em.